To have clean seafood products?
category
To have clean seafood products?
Thời gian qua, một điều dễ nhận thấy, mỗi khi cơ quan quản lý tăng cường những đợt thanh kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm ngành hàng thủy sản, tỷ lệ doanh nghiệp vi phạm giảm, song mọi sẽ trở lại tình trạng bát nháo nếu cơ quan quản lý tập trung lực lượng cho những mặt hàng khác. Giải pháp cho vấn đề này không thể từ một phía là cơ quan nhà nước.
Chuyện dài tập
Một trong những cơ quan có ảnh hưởng lớn đến uy tính ngành thủy sản của Việt Nam là Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD), có thể thấy, trong những năm qua, NAFIQAD đã có những việc làm hết sức cần thiết để bảo vệ uy tính ngành thủy sản nước nhà.
Ngoài việc, tăng cường thanh kiểm tra các các nhà máy chế biến thủy sản, thông báo kịp thời những thông tin thay đổi mới nhất về an toàn vệ sinh thực phẩm của nước nhập khẩu từ châu Âu, Mỹ, Nhật Bản hay Hàn Quốc… cho các doanh nghiệp, NAFIQAD còn công bố rộng rãi danh sách những doanh nghiệp có lô hàng bị cảnh báo vi phạm quy định an toàn thực phẩm về dư lượng hóa chất, kháng sinh ngay trên trang chủ của chính mình.
Tuy nhiên, nếu nhìn vào danh sách này sẽ thấy, không chỉ có các doanh nghiệp bị cảnh báo lần đầu mà cả những doanh nghiệp bị cảnh báo nhiều lần. Khi được hỏi về vấn đề này, một quản lý của NAFIQAD chia sẻ, danh sách này cho thấy, nếu siết chặt quản lý thì số lượng doanh nghiệp vi phạm giảm mà buông lỏng một chút lại tăng.
Điều này phần nào phản ánh được tình hình đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp nói chung, thủy sản nói riêng trong những năm qua cũng như vấn đề kháng sinh trong thủy sản đang là câu chuyện dài tập, càng xem càng thấy nhiều vấn đề xuất hiện và không thể giải quyết trong một sớm một chiều.
Những ngày cuối năm 2014 và đầu 2015, tại nhiều cuộc gặp gỡ với các ngành, doanh nghiệp, ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nhiều lần nhấn mạnh rằng, 2015 sẽ là năm Bộ tập trung siết chặt vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm và sẽ làm mọi cách để giải quyết vấn đề này tránh tình trạng lộn xộn như năm qua.
Chế biến tôm xuất khẩu – Ảnh: An Đăng
Theo phía doanh nghiệp, việc Bộ NN&PTNT muốn siết chặt vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm trong năm nay, ở một khía cạnh nào đó là phát đi thông điệp với những doanh nghiệp làm ăn gian dối, chạy theo lợi nhuận nhưng làm được hay không lại là chuyện khác, đặc biệt với lực lượng thanh kiểm tra mỏng như hiện nay.
Đơn giản, vấn đề kháng sinh hay nói rộng ra là an toàn vệ sinh thực phẩm trong ngành thủy sản là một câu chuyện dài và kéo dài từ nhiều năm nay. Cách đây 15 năm, thời điểm thủy sản Việt Nam bắt đầu xâm nhập thị trường thế giới, vấn đề, chất kháng sinh đã trở thành mối lo thường trực của ngành thủy sản nước ta. Do đó, thủy sản Việt Nam thường xuyên nhận “án lệnh” nếu không cải thiện vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm thì sẽ ngưng cho phép nhập vào EU, Nga, hay Nhật Bản. Và hiện nay, những vấn đề ấy không được giải quyết mà còn nghiêm trọng hơn.
Theo ước tính của Bộ NN&PTNT, cứ mỗi lô hàng bị trả về hoặc tiêu hủy sẽ tổn thất cho doanh nghiệp khoảng 15 triệu USD và trong trường hợp, một quốc gia nào đó có lệnh ngưng nhập khẩu thủy sản của Việt Nam, lúc đó, thiệt hại sẽ rất lớn vì không chỉ khiến doanh nghiệp mất thị trường mà kéo theo đó là ảnh hưởng đến công ăn việc làm của công nhân, người nuôi cá, các công ty sản xuất thức ăn thủy sản, thú y cũng bị ảnh hưởng theo. Đó chưa kể uy tín, thương hiệu thủy sản Việt Nam bị giảm sút, đặc biệt, trong bối cảnh, thủy sản Việt Nam chủ yếu là xuất thô như hiện nay.
Bắt đầu từ đâu?
Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng NAFIQAD, hầu hết trong những buổi làm việc với doanh nghiệp thủy sản liên quan đến chất kháng sinh đều lặp lại rằng, có thể, việc tăng cường kiểm soát, kiểm tra dư lượng kháng sinh trong thủy sản sẽ làm cho doanh nghiệp tăng chi phí đầu vào nhưng đó là cách để bảo vệ “thương hiệu, uy tín” của ngành thủy sản Việt Nam trên thị trường thế giới. Nghĩa là bảo vệ uy tính của ngành thủy sản là đang bảo vệ “nồi cơm” của hàng triệu người dân liên quan đến ngành này.
Theo ông Nguyễn Văn Kịch, Tổng giám đốc Công ty CP Thủy sản Cafatex (Hậu Giang), câu chuyện kháng sinh thủy sản là câu chuyện dài tập và ai làm trong lĩnh vực này cũng phải sống với tâm lý “một ngày nào đó doanh nghiệp của mình sẽ có tên trong danh sách cảnh báo vi phạm an toàn thực phẩm và nếu doanh nghiệp còn phải mua nguyên liệu từ nông dân thì chuyện lô hàng dính phải chất kháng sinh vượt ngưỡng quy định là không thể tránh khỏi”.
Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Thuận Phước (Đà Nẵng), cũng chung ý nghĩ đó, trong những năm qua, khi dịch bệnh thủy sản bùng phát, đặc biệt trên con tôm, điều này đồng nghĩa với việc người nuôi sẽ sử dụng các loại kháng sinh, thậm chí là kháng sinh cấm nhiều hơn trong ao nuôi. Sau đó, bán lại cho các nhà máy chế biến và trong trường hợp bị phát hiện có chất kháng sinh vượt ngưỡng cho phép, doanh nghiệp lãnh đủ; trong khi, đáng ra, phía chịu trách nhiệm là người nuôi.
Theo các doanh nghiệp, cơ quan quản lý biết điều này nhưng không thể giải quyết được gốc rễ của vấn đề mà quy mọi thứ cho doanh nghiệp. Bằng chứng, trong số danh sách những doanh nghiệp bị cảnh báo vi phạm quy định an toàn thực phẩm về dư lượng hóa chất, kháng sinh trên trang chủ của NAFIQAD, có nhiều doanh nghiệp không có vùng nguyên liệu mà mua từ nông dân nhưng vẫn bị cảnh báo. Theo các doanh nghiệp đó là nghịch lý hiện nay trong khâu quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm của Việt Nam hiện nay.
Vì thế, để giải quyết phần nào vấn đề, Tổng cục Thủy sản đã kiến nghị Bộ NN&PTNT ban hành quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt Việt Nam (VietGAP) ngày 6/9/2014. Việc áp dụng VietGAP trong nuôi trồng thủy sản sẽ giải quyết được vấn đề truy xuất nguồn gốc sản phẩm từ khâu nuôi trồng đến chế biến. Khi đó, một lô hàng có hàm lượng kháng sinh vượt ngưỡng cho phép, NAFIQAD và doanh nghiệp sẽ truy ra được hộ dân nào là chủ nhân của những sản phẩm này để có những xử lý kịp thời, còn phía doanh nghiệp sẽ không còn cảnh “bị nắm bởi đầu có tóc” như lâu nay.
Tuy nhiên, để giải quyết bài toán kháng sinh trong thủy sản việc áp dụng VietGAP thôi chưa đủ mà phải có sự hỗ trợ của doanh nghiệp bằng việc nâng giá mua sản phẩm VietGAP cao hơn thị trường, tránh việc cào bằng về giá như lâu nay.