Dưới tác động của sự thay đổi phong cách sống và khẩu vị ăn của người tiêu dùng, trong những năm gần đây, thị trường thực phẩm đóng hộp Việt Nam đã liên tục tăng đều đặn mức tiêu thụ 500 tấn/năm, và trở thành một mặt hàng phổ biến trong các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng tạp hóa, với sự tham gia của đông đảo từ doanh nghiệp nội cho đến các nhãn hàng ngoại từ Thái Lan, Indonesia, Mỹ…
Mặc dù vẫn ưa chuộng các thức ăn truyền thống hơn, nhưng người tiêu dùng Việt Nam, đặc biệt là ở thành thị, đang dần dần có xu hướng giảm bớt thức ăn tươi và mua ngày càng nhiều hơn các thực phẩm đóng hộp, đặc biệt là những người trẻ tuổi, thường “ngại” hoặc có rất ít thời gian để nấu nướng cầu kỳ. Được chế biến với nhiều loại nguyên liệu, số lượng món ăn đa dạng, có thể sử dụng ngay rất nhanh gọn và tiện lợi đang là những ưu điểm để nhiều người chọn lựa.
Chị Nguyễn Thị Tuyết, nhân viên tiếp thị tại siêu thị Big C Pandora, cho biết: nhóm hàng thịt hộp bán không mạnh nhưng lại đều đều, ổn định như mì gói, sữa hay xúc xích. “Nhiều người lựa chọn các loại thịt heo, bò hay cá, thịt kho tàu, xíu mại... để ăn sáng hoặc ăn khuya” - chị Tuyết nói. Tại các siêu thị cho thấy khu vực dành cho thịt hộp có thể không nhiều, chỉ từ một hoặc nửa dãy hàng nhưng chủng loại vô cùng đa dạng.
Theo ông Nguyễn Duy Đăng - Giám đốc Công ty thực phẩm Minh Đạt (TP.HCM), thị trường thực phẩm đóng hộp Việt Nam rất đa dạng từ cá, hải sản đóng hộp, thịt, trái cây, rau quả, mì ống, xúp các loại, nhưng phân khúc sản phẩm đóng hộp có mức tăng trưởng cao nhất là cá hộp chiếm tới 28% thị phần, tiếp theo là dòng sản phẩm rau quả đóng hộp, thịt đóng hộp. Ông Đăng còn cho biết: Tuy không còn giữ mức tăng trưởng hai con số như các năm trước nhưng ngành hàng này vẫn luôn có tốc độ tăng ổn định, và là thế mạnh của nhiều doanh nghiệp trong nước do công nghệ không đòi hỏi quá cao. Sự phát triển của hệ thống siêu thị hiện đại cũng góp phần trợ lực cho các loại thực phẩm đóng hộp phát triển.
Bên phía doanh nghiệp nội, Vissan là một trong những cái tên nổi bật nhất với hơn 100 nhãn từ bò, heo, gà và cá. Cách nay hai năm, các dòng sản phẩm bán mạnh ở kênh bán hàng hiện đại, nhưng nay lượng tiêu thụ đồ hộp còn phát triển mạnh ở kênh truyền thống. Do người tiêu dùng nông thôn như đi biển, đi rẫy có xu hướng mua đồ đóng hộp tiện chế biến, việc nhận biết hàng hóa ở nông thôn cũng mạnh dần lên, người tiêu dùng được tiếp cận với sản phẩm thuận lợi bữa ăn hằng ngày. Đây là một phân khúc còn “hoang sơ”, ít đối thủ do các hãng nước ngoài gần như chỉ tập trung đánh vào khu vực thành thị.
Tuy nhiên, năm 2010, Vissan dẫn đầu thị trường với thị phần 29%, nhưng nay cũng đã phải san bớt sang các nhãn hàng ngoại. Bên cạnh những thương hiệu quen thuộc trong nước như Tuyền Ký, Vissan, Seapimex, Hạ Long..., các sản phẩm đến từ Thái Lan, Malaysia, Mỹ, Hà Lan… cũng được người tiêu dùng chú ý. trong đó, đồ hộp Thái Lan, với thế mạnh về hàng cá, đang có lượng tiêu thụ mạnh, cạnh tranh với hàng Việt cùng mức giá trung bình cao hơn hàng trong nước khoảng 15%. Song điều này có thể sớm thay đổi.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Giám đốc một công ty xuất nhập khẩu thực phẩm đông lạnh tại Q.Thủ Đức, TP.HCM - cho biết: thời gian gần đây lượng hàng nhập khẩu thực phẩm đóng hộp chủ yếu là thịt, cá các loại qua công ty tăng trưởng nhanh, đặc biệt là nguồn hàng từ các nước lân cận như Thái Lan, Malaysia, Indonesia. Theo ông Tuấn “Các doanh nghiệp những nước này muốn đưa hàng sang để bán thăm dò, đón đầu cho đợt giảm thuế suất mà Việt Nam cam kết vào năm 2015”. Dù hiện nay hàng nhập khẩu vẫn cao hơn hàng trong nước khoảng 10-15% nhưng một khi rào cản thuế được dỡ bỏ thì giá sẽ cạnh tranh ngang ngửa với hàng nội khi hương vị, chủng loại đa dạng hơn.
Đối với các nhãn hàng ngoại nhập khác, ở phân khúc bình dân, giá thấp đang xảy ra cuộc chạy đua khá dữ dội với hàng trong nước. Các sản phẩm cá hộp tương đương về chủng loại, trọng lượng hàng nhập thường có giá từ 13.000-30.000 đồng/hộp, trong khi hàng sản xuất trong nước ở mức dưới 25.000 đồng/hộp. Tương tự, các dòng thịt hộp loại lớn ngoại nhập có giá từ 40.000 - 85.000 đồng/hộp, trong khi thịt hộp Vissan giá cao nhất trên quầy kệ siêu thị hiện ở mức 58.000 đồng/hộp.
Trước những khó khăn có thể gặp phải trong thời gian tới, ông Đăng nhận định: lợi thế của doanh nghiệp trong nước là am hiểu khẩu vị người tiêu dùng, trong khi các công ty nước ngoài tập trung vào sản phẩm có hương vị phong cách phương Tây. Nhưng đây cũng có thể coi là thế mạnh của các công ty này do xu hướng đón nhận ẩm thực phương Tây của người Việt Nam đang rất phổ biến. Do đó, để giúp các sản phẩm Việt Nam cạnh tranh được, cơ quan chức năng cần có biện pháp, kiểm tra chặt về an toàn vệ sinh thực phẩm, xuất xứ nguồn gốc của các nguyên liệu trong sản xuất để đảm bảo sản phẩm ra thị trường đạt tiêu chuẩn chất lượng của Việt Nam quy định, đồng thời giảm thiểu các sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.
“Về lâu dài, Chính phủ có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp sử dụng trên 90% nguồn nguyên liệu được làm ra từ nội địa như thủy hảisản, vật nuôi...” - ông Đăng nói.
Theo Tuổi Trẻ